Khi Trung Quốc đang chiến đấu với dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV) đã khiến 492 người thiệt mạng và hơn 24.000 ca nhiễm, người dân nước này tự hỏi vấn đề nằm ở đâu khi dịch bùng phát và lây lan ở quy mô lớn như vậy.
Trong khi đó, các quan chức cấp cao công khai đổ lỗi cho nhau hay quy cho "hệ thống quan liêu" không hành động kịp thời để kiểm soát dịch. Nhiều quan chức chối bỏ trách nhiệm đến mức một số người dùng mạng xã hội Trung Quốc nói đùa rằng họ đang theo dõi một cuộc thi "chuyền bóng trách nhiệm".
Nhân viên y tế cầm mẫu xét nghiệm nCoV tại Vũ Hán ngày 4/2. Ảnh: AFP . |
"Vấn đề quan trọng nhất bị phơi bày trong dịch bệnh lần này là sự thụ động, thiếu hành động của chính quyền địa phương", Hứa Khai Trinh, nhà văn chuyên viết về đề tài chính trị Trung Quốc, nói.
Ông Hứa cho rằng dưới áp lực cao từ chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, hầu hết quan chức từ trung ương đến địa phương chỉ quan tâm đến việc tự bảo vệ mình. "Họ không muốn là người đầu tiên lên tiếng. Họ chờ đợi cấp trên ra quyết định và chỉ chịu trách nhiệm trước cấp trên thay vì người dân", ông nói.
Chính quyền trung ương Trung Quốc dường như nhận thức được vấn đề này. Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 3/2 thừa nhận quá trình ứng phó dịch bệnh xuất hiện những thiếu sót và khó khăn. Ông Tập nói rằng dịch bệnh là " phép thử lớn với hệ thống và năng lực quản trị của Trung Quốc".
Hoài nghi về năng lực quản trị của các cấp chính quyền ở Trung Quốc trong đối phó với dịch bệnh ngày càng tăng khi nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng các quan chức Vũ Hán đã cố tình "giấu dịch" khi nó xuất hiện vào đầu tháng 12/2019.
Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng sau đó thừa nhận ông không tiết lộ quy mô và nguy cơ của dịch sớm hơn vì cần sự cho phép từ cấp trên. Nhưng dù không thể chia sẻ nhiều thông tin, ông lẽ ra có thể khuyên người dân đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và dừng các cuộc tụ họp lớn như bữa đại tiệc có hơn 40.000 gia đình tham dự chỉ vài ngày trước khi thành phố 11 triệu dân bị phong tỏa.
Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng. Ảnh: VGC . |
Khi thông tin bắt đầu được công bố nhỏ giọt, chúng mơ hồ và dễ gây hiểu nhầm. Trong một loạt thông báo trên mạng từ ngày 31/12/2019 đến ngày 17/1/2020, các quan chức Vũ Hán cho biết họ đang điều trị bệnh nhân viêm phổi, nhưng không nói rõ từ khi nào và bao nhiêu bệnh nhân.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, cơ quan có thẩm quyền tuyên bố tình trạng dịch khẩn cấp, mãi đến ngày 19/1 mới phát thông báo về dịch. Nhưng về cơ bản, thông báo của Ủy ban Y tế Quốc gia lại đổ lỗi cho chính quyền địa phương. Câu đầu tiên của thông báo trích dẫn một quy tắc yêu cầu ủy ban làm việc với các quan chức địa phương về phòng chống dịch bệnh.
Cố vấn y tế hàng đầu của chính phủ Vương Nghiễm Phát, người đứng đầu nhóm các nhà nghiên cứu được Bắc Kinh cử đến Vũ Hán điều tra tình hình, ngày 11/1 trấn an công chúng rằng dịch bệnh này có thể kiểm soát được. Nhưng sau đó, chính ông bị nhiễm nCoV.
Sau khi bình phục, dịch thuật Vương giải thích rằng ông có ít thông tin vào thời điểm đó. Tuy nhiên, Vương cũng nói rằng công chúng đã hiểu nhầm ý ông, ông muốn nói rằng hầu hết dịch bệnh truyền nhiễm cuối cùng đều được kiểm soát.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình nhà nước, Bí thư Thành ủy Vũ Hán Mã Quốc Cường nói rằng cư dân Vũ Hán "có chút lo lắng" và hứa hẹn huy động tất cả đảng ủy thành phố để động viên tinh thần họ.
"Tuy nhiên, nguồn động viên tinh thần quan trọng nhất đến từ Tổng bí thư Tập Cận Bình", ông Mã nói.
Ông Hứa đánh giá phát biểu của Bí thư Mã cho thấy các quan chức Vũ Hán quan tâm đến việc làm hài lòng cấp trên hơn là chăm lo cho người dân. "Nếu họ có thể sắp xếp lại thứ tự trong lòng mình thì chúng ta sẽ thấy một phong cách quản trị rất khác", ông nói.
Các giải pháp mà chính quyền địa phương đưa ra trong khủng hoảng cũng có nhiều bất cập. Các bệnh nhân nhiễm nCoV được đưa tới bệnh viện ở Vũ Hán từ đầu tháng 12/2019, nhưng mãi 7 tuần sau đó, chính quyền thành phố mới ban hành lệnh phong tỏa từ ngày 23/1. Lúc này, khoảng 5 triệu dân Vũ Hán đã rời thành phố, tới khắp nơi để du lịch, thăm thân dịp Tết âm lịch.
Nhiều tỉnh thành truy tìm người Vũ Hán, thậm chí xua đuổi những người đã đến tỉnh Hồ Bắc để ngăn virus lây lan. Việc theo dõi sát sao những người có nguy cơ nhiễm bệnh là chính sách hợp lý, nhưng việc trừng phạt hoặc bắt bớ có nguy cơ khiến họ lẩn trốn, tạo ra khó khăn trong việc ngăn dịch.
Ngay cả tại những nơi không phải tâm dịch, các quan chức địa phương cũng đưa ra những quy định đẩy người dân vào thế khó. Một video được chia sẻ nhiều trên mạng cho thấy một cặp vợ chồng bị mắc kẹt trên cây cầu nối tỉnh Quý Châu với thành phố Trùng Khánh, vì chính quyền Quý Châu và Trùng Khánh đều cấm người dân hai địa phương qua lại. Người vợ đến từ Quý Châu và người chồng đến từ Trùng Khánh không có nơi nào để đi.
Trên mạng xã hội, các quan chức cấp thấp phàn nàn rằng họ nhận được nhiều chỉ thị từ cấp trên đến mức phải dành phần lớn thời gian để hoàn thiện thủ tục giấy tờ thay vì làm công việc thực sự. Trong một bài đăng trên mạng xã hội có tiêu đề "Thói hình thức dưới lớp mặt nạ", một tác giả giấu tên viết "hầu hết mọi người trong hệ thống quản trị không làm việc để giải quyết vấn đề, họ làm việc chỉ để cho xong trách nhiệm".
Các nước có bệnh nhân nhiễm virus corona. Bấm vào ảnh để xem đầy đủ. |
Theo bình luận viên Li Yuan của NYTimes , sau khi dịch kết thúc, giới lãnh đạo Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trừng phạt một vài quan chức để giữ thể diện và lấy lại niềm tin của người dân. Nhưng với những người đã phải chịu khổ vì bệnh dịch và công tác quản trị kém, việc khôi phục niềm tin của họ là rất khó khăn.
"Tôi biết đất nước rồi sẽ sớm trở lại là một xã hội yên bình, thịnh vượng. Chúng ta rồi sẽ nghe nhiều người hô hào rằng họ tự hào về sự thịnh vượng và sức mạnh của đất nước", một người Vũ Hán viết trên Weibo. "Nhưng sau những gì tôi đã chứng kiến, tôi từ chối xem những tràng pháo tay và tán tụng".
Phương Vũ (Theo NYTimes )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét